Michael Porter, nhà tư tưởng chiến lược và là một trong những “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới sẽ đến Việt Nam vào ngày 1/12. Trong chuyến thăm lần đầu tiên này, ông sẽ tham dự và chủ trì hội thảo quốc tế bàn về vấn đề cạnh tranh toàn cầu.
Việt Nam sẽ là nơi duy nhất tổ chức hội thảo nói trên trong chuyến viếng thăm châu Á lần này của Michael Porter. Dự kiến, hội thảo sẽ quy tụ khoảng 1.000 người tham dự, là các doanh nhân hàng đầu, những nhà hoạch định chính sách vĩ mô, những nhà lãnh đạo cấp tỉnh/thành, các học giả, các nhà nghiên cứu kinh tế … từ các quốc gia trong khu vực và châu lục.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu đang có nhiều biến động, người tham dự chờ đợi được lắng nghe từ Michael Porter những kiến giải sâu sắc về những xu hướng trong nền kinh tế thế giới, bản chất thay đổi của cạnh tranh quốc tế, cũng như những yếu tố cấu thành nên năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng địa phương và của quốc gia trong bối cảnh mới này.
Một trong những nội dung của hội thảo dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận là phần bàn luận về lợi thế của Việt Nam trong đua tranh toàn cầu. Những chia sẻ của Michael Porter trong phần này được kỳ vọng sẽ chứa đựng tầm nhìn toàn cầu và sự thấu hiểu về môi trường kinh doanh Việt Nam. Hiện tại, Michael Porter chủ trì công tình Global Competitiveness Report - Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, ông cũng đã từng được mời trao đổi về chiến lược cạnh tranh với nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới, trong đó có Thủ tướng Việt Nam (vào năm 2005, tại Mỹ).
Michael Porter đến Việt Nam theo lời mời của Học viện Giám đốc PACE.
Năm 2005, Michael Porter đứng đầu trong danh sách 50 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới (cùng với Perter Drucker, “cha đẻ” quản trị kinh doanh hiện đại và Philip Kotler, “cha đẻ” marketing hiện đại của thế giới). Ông cũng là một trong những giáo sư lỗi lạc nhất trong lịch sử của Harvard. Những tác phẩm kinh điển của ông như Chiến lược cạnh tranh (competitive strategy), Lợi thế cạnh tranh (competitive advantage) và Lợi thế cạnh tranh quốc gia (competitive advantage of nations) được xem như là sách gối đầu giường của giới quản trị kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô trên khắp thế giới trong suốt gần 3 thập kỷ qua. |
(Theo vnexpress.net)