“Tôi không phải là chuyên gia về Việt Nam nhưng tôi biết đất nước các bạn có những bước tiến dài, nhất là kinh tế. Tuy nhiên, để khẳng định mình thì các bạn cần phải cơ cấu lại nhân sự có thế chân kiềng: Nhà nước - doanh nghiệp - giáo dục.
Đó là lời khẳng định của giáo sư Dave Ulrich (Đại học Michigan, Mỹ) tại hội thảo “Tư duy lại nhân lực và nhân tài” (Rethinking HR & Talent). Hội thảo do trường Doanh nhân PACE tổ chức ngày 29/9 tại TPHCM, thu hút hơn 500 nhà lãnh đạo, doanh nhân, học giả, nhà nghiên cứu… trong và ngoài nước tham dự.
Giáo sư Dave Ulrich đang chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhân lực tại hội thảo.
GS Dave Ulrich mở đầu bài thuyết trình của mình bằng việc phác họa những thực tiễn cạnh tranh mới đang diễn ra trên khắp toàn cầu. Theo ông, Việt Nam với vị trí là một trong số 11 quốc gia mới nổi kế tiếp (theo sau các nước thuộc khối BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc…), hơn bao giờ hết cần phải đặt ra câu hỏi “Lợi thế cạnh tranh của quốc gia sẽ đến từ những nguồn nào?” để có thể hoạch định một chiến lược phát triển hiệu quả cho mình.
Ông cũng cho rằng trong bối cảnh này, có thể thấy rằng vấn đề nhân lực và nhân tài chính là một nguồn “tài nguyên” quan trọng góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho quốc gia và doanh nghiệp bên cạnh các lợi thế khác vẫn thường được nhắc đến như chiến lược, tài chính, công nghệ…
Theo GS Dave Ulrich, đây không phải là một câu chuyện quá mới mẻ với quốc gia cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể “đánh thức” được nguồn tài nguyên vô cùng to lớn ấy, cần phải “định nghĩa lại” nhân lực và nhân tài.
Ai sẽ được gọi là “nhân tài”? Làm thế nào để xác định đúng và khơi dậy được nguồn tài nguyên ấy? Đầu tư cho nhân tài là cần thiết, nhưng làm thể nào để đầu tư đúng và đo lường được hiệu quả của việc đầu tư cho yếu tố vô hình này? GS Dave Ulrich nhấn mạnh, để đánh thức được nhân tài, nhân lực, Việt Nam cần có sự phối hợp theo thế chân kiềng giữa Nhà nước - doanh nghiệp - giáo dục; xúc tiến các tổ chức, chương trình nghị sự quốc gia về nhân lực…
Trong suốt bài trình bày của mình, GS Dave Ulrich đã lần lượt đưa ra những góc nhìn của mình cho những câu hỏi này, những câu hỏi mà ông cho rằng cần được đặt ra và trả lời thấu đáo để câu chuyện nhân tài không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu như “hiền tài là nguyên khí quốc gia” hay “nhân tài là tài sản quý giá nhất của tổ chức”…
Một quan điểm mới mẻ mà ông đưa ra trong hội thảo, đó là đã đến lúc các tổ chức, các doanh nghiệp cũng cần “định nghĩa lại” vai trò của mình nếu muốn cạnh tranh hiệu quả bằng nguồn lực nhân tài. Cụ thể là, nhân tài chỉ có thể phát triển được và đóng góp được cho tổ chức và xã hội khi và chỉ khi họ được “sống” trong một môi trường mà ở đó, họ tìm thấy được lẽ sống và ý nghĩa của cuộc đời, của công việc mình làm. “Tài năng là nguồn lực giúp chúng ta tạo ra những đặc thù thú vị. Trong bóng đá, dù có vua phá lưới nhưng chưa chắc đội đó đã vô địch. Chỉ 20% đội có vua phá lưới thì vô địch. Vì thế bên cạnh tạo ra tài năng, cần phải xây dựng một nguồn nhân lực tốt, có kỹ năng làm việc theo nhóm và một văn hóa doanh nghiệp để nhân tài và nhân lực cống hiến”, GS Dave Ulrich nói.
Đông đảo doanh nhân Việt Nam tham dự hội thảo và đặt câu hỏi với giáo sư Dave Ulrich.
Một tổ chức có khả năng làm được điều trên, theo ngôn từ của GS Dave Ulrich , được gọi là “Tổ chức viên mãn”.Ông cũng đưa ra mô hình gồm các câu hỏi thiết yếu giúp các nhà lãnh đạo xây dựng tổ chức của mình thành “tổ chức viên mãn”.
GS Dave Ulrich đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhà lãnh đạo trong chiến lược “đánh thức” nguồn tài nguyên nhân lực và nhân tài. Theo ông, tổ chức cần nhiều “năng lực lãnh đạo” hơn là “vị trí lãnh đạo”. Nhà lãnh đạo chỉ có thể tạo được “thương hiệu lãnh đạo” cho mình từ khả năng biến những mong mỏi, kỳ vọng của xã hội thành những hoạt động cụ thể trong chính tổ chức của mình.
Trả lời câu hỏi của một doanh nhân về vấn đề Việt Nam có lợi thế nào so với Trung Quốc, ông Dave Ulrich cho biết: “Đừng nghĩ nước nhỏ là yếu. Nhỏ mà lanh lợi thì thành công. Việt Nam nên học mô hình của Singapore. Đảo quốc nhỏ này không có tài nguyên nhưng có sự kết hợp chân kiềng. Doanh nhân Singapore luôn học hỏi và cầu tiến. Thế hệ lãnh đạo trước luôn giúp thế hệ lãnh đạo sau. Năng lực lãnh đạo giúp họ thành công”.
Diễn giả Dave Ulrich hiện là giáo sư của Đại học Michigan (Mỹ), người được coi là “bậc thầy” thế giới về lĩnh vực nhân sự, một trong những “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2010, ông đã được trao tặng giải Nobel Colloquia dành cho những tên tuổi dẫn dắt nền tưởng kinh tế và và kinh doanh. Những tư tưởng, lý thuyết được “khai sinh” bởi GS Dave Ulrich và các cộng sự của ông như “Mô hình 4 vai trò của Nhân sự” (“HR’s 4 Roles Model”); “Thương hiệu lãnh đạo” (Leadership Brand) hay “Lý thuyết nhân tài 3C”... được xem là đã góp phần tạo nên những chuyển đổi quan trọng của nền quản trị và ngành nhân sự thế giới cũng như có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nhà lãnh đạo. |
(Theo dantri.com.vn)