B2C là gì? Phân biệt mô hình kinh doanh giữa B2C và B2B

Thương mại từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng, hay còn gọi là B2C là trụ cột lâu đời của nhân loại. Từ những giai đoạn đầu tiên của nền văn minh, con người đã mua - bán hàng hóa lẫn nhau. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số và thương mại điện tử, số lượng người tiêu dùng thích mua sắm trực tuyến ngày càng tăng.

B2C là gì?

B2C là mô hình kinh doanh mà trong đó, doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng (khách hàng). Nói một cách ngắn gọn, đây là mô hình kinh doanh bán lẻ, cơ chế hoạt động khá đơn giản, nhanh gọn và phổ biến. B2C là từ viết tắt của Business-to-Consumer, tức là doanh nghiệp tới người tiêu dùng, chẳng hạn như việc mua sắm tại cửa hàng, trên website, tạp hóa, siêu thị,...

B2C là mô hình kinh doanh mà trong đó, doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng (khách hàng)

Đặc điểm của mô hình kinh doanh B2C

Khác với mô hình B2B thì mô hình B2C mang những đặc điểm riêng biệt sau đây:

Đối tượng khách hàng chính là những người tiêu dùng cuối

Với mô hình kinh doanh B2C, doanh nghiệp bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người mua hàng cá nhân. Khách hàng thuộc mô hình B2C mua sản phẩm/ dịch vụ sử dụng cho mục đích các nhân, không phải để bán lại. Vì vậy, trong mô hình này, người tiêu dùng cuối cùng là đối tượng khách hàng chính.

Đa dạng nhà cung cấp

Không giống như B2B, các doanh nghiệp thường có mối quan hệ bền chặt, thì B2C có thể có rất nhiều nhà cung cấp khác nhau, mang lại cho khách hàng sự lựa chọn đa dạng về sản phẩm, giá cả, mẫu mã,...

Dễ bị thay thế

Cũng vì số lượng nhà cung cấp trên thị trường B2C là rất lớn, nên doanh nghiệp cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp, uy tín trong lòng khách hàng cũng như không ngừng đưa ra các chiến dịch Marketing mới lạ, các sản phẩm/ dịch vụ độc đáo nếu không muốn bị thay thế bởi những đối thủ cạnh tranh khác.

Thời gian bán hàng ngắn hạn

Mô hình kinh doanh B2C thường có xu hướng tập trung vào việc bán hàng trong thời gian ngắn hạn. Trong mô hình này, các giao dịch mua bán thường được thực hiện nhanh chóng và đáp ứng nhu cầu ngay lập tức của người tiêu dùng cuối cùng.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là mô hình kinh doanh B2C không có khía cạnh dài hạn. Các doanh nghiệp B2C cũng cần xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm/ dịch vụ, tạo niềm tin và sự trung thành từ phía khách hàng.

Cạnh tranh cao

Thị trường tiêu dùng của mô hình B2C rất đa dạng và cạnh tranh. Đặc biệt là khi internet phát triển vượt bậc, các kênh mạng xã hội như một miếng bánh ngon lành để kinh doanh như Tiktok, Facebook,... càng khiến thị trường kinh doanh nhộn nhịp và cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Khách hàng giờ đây có thể lướt xem và đặt hàng trực tiếp nhanh chóng trên chiếc điện thoại thông minh chỉ với vài thao tác đơn giản. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cùng hoạt động trong cùng một lĩnh vực cần thiết kế chiến lược Marketing hiệu quả để tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm/ dịch vụ hấp dẫn, độc đáo, giá cả cạnh tranh và tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng.

Thường xuyên cập nhật sản phẩm/ dịch vụ

Do nhu cầu của khách hàng thay đổi liên tục, các doanh nghiệp B2C cần phải cập nhật sản phẩm/ dịch vụ của mình thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giữ vững lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn như một cửa hàng bán quần áo nữ, cần cập nhật liên tục các mẫu mã mới, phù hợp với xu hướng thị trường thời trang hiện tại, phù hợp với thời tiết theo từng mùa.

Đặc điểm của mô hình kinh doanh B2C

Lợi ích của mô hình kinh doanh B2C

Mô hình kinh doanh B2C (Business-to-Consumer) mang lại nhiều lợi ích đối với các doanh nghiệp. Một số lợi ích khi kinh doanh theo mô hình B2C phải kể đến như:

  1. Tiếp cận đến số lượng khách hàng lớn
  2. Tăng tính tương tác với khách hàng
  3. Tính linh hoạt trong việc bán hàng
  4. Chu kỳ bán hàng ngắn
  5. Tăng tính cạnh tranh trên thị trường

Tiếp cận đến số lượng khách hàng lớn

Với mô hình B2C, doanh nghiệp có thể tiếp cận đến số lượng khách hàng lớn, bao gồm cả khách hàng mới và khách hàng cũ, thông qua các kênh mạng xã hội, website, quảng cáo,... Từ đó giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng và tăng trưởng kinh doanh.

Ngoài ra, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Trong số này, có tới 95% thiết bị sử dụng internet. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi chiến lược Marketing, tiếp cận nhiều hơn với khách hàng bằng điện thoại, chẳng hạn như sử dụng các ứng dụng di động, tối ưu hóa website trên thiết bị di động,...

Tăng tính tương tác với khách hàng

Mô hình B2C cho phép doanh nghiệp tăng tính tương tác với khách hàng thông qua các kênh kênh bán hàng, truyền thông mạng xã hội. Đồng thời dựa vào nhân khẩu học như tên, độ tuổi, sở thích,... để cá nhân hóa, thực hiện các chiến dịch quảng cáo phù hợp, có những chỉnh sửa, bổ sung về sản phẩm để phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Tính linh hoạt trong việc bán hàng

B2C cho phép doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho khách hàng thông qua nhiều kênh khác nhau như cửa hàng truyền thống, mạng lưới bán lẻ, trang web, ứng dụng di động và kênh mạng xã hội. Điều này giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc bán hàng và tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách hàng.

Chu kỳ bán hàng ngắn

Mô hình B2C có chu kỳ bán hàng ngắn, khách hàng không cần đắn đo quá nhiều, quá lâu để thực hiện mua hàng. Hơn nữa, giờ đây họ không còn bị giới hạn về thời gian hay địa điểm mua sắm, doanh nghiệp có thể đưa ra các dịch vụ đặt hàng giao nhanh thông qua tính năng này. Chẳng hạn như Tiki hay Hasaki (Cửa hàng mỹ phẩm) có chương trình giao nhanh trong 2 giờ.

Tăng tính cạnh tranh trên thị trường

Bằng cách hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm/ dịch vụ và tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Điều này có thể giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thị trường.

Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ và internet, doanh nghiệp có thể tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến để tiếp cận khách hàng rộng rãi và tối ưu hơn. Điều này giúp tiết kiệm một khoản chi phí quảng cáo và tăng khả năng tiếp cận khách hàng mới.

Lợi ích của mô hình kinh doanh B2C

Các mô hình kinh doanh B2C phổ biến hiện nay

  1. B2C bán hàng trực tiếp
  2. B2C trung gian trực tuyến
  3. B2C dựa trên quảng cáo
  4. B2C dựa vào cộng đồng
  5. B2C dựa trên phí

B2C bán hàng trực tiếp

Đây là mô hình B2C phổ biến tại thị trường nước ta. Trên thực tế, mô hình này đã ra đời từ rất lâu, bắt đầu từ những hoạt động trao đổi, giao dịch giữa người mua và người bán. B2C theo hình thức bán hàng trực tiếp ngày nay được hiểu là các nhà bán lẻ. Trong đó, nhà cung cấp có thể là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ hoặc đơn giản là phiên bản trực tuyến của các cửa hàng tạp hóa.

B2C trung gian trực tuyến

B2C trung gian là mô hình mà người mua và người bán kết nối với nhau thông qua nhà phân phối. Ở đây nhà phân phối trung gian có thể là các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,... hay các trang web phổ biến như Chợ Tốt. Các doanh nghiệp này không trực tiếp sở hữu sản phẩm, họ đóng vai trò là cầu nối giữa khách hàng và doanh nghiệp. Hình thức này có thể tiếp cận khách hàng rộng rãi, tỷ lệ chuyển đổi cao.

B2C dựa trên quảng cáo

Thông thường, các doanh nghiệp kinh doanh B2C dựa trên quảng cáo thường sở hữu một trang web chất lượng, nội dung hấp dẫn, giá trị và có thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm. Doanh nghiệp sẽ dựa vào lượng truy cập này để đặt quảng cáo về sản phẩm/ dịch vụ của mình để tiếp cận khách hàng, hoặc cho các doanh nghiệp khác thuê không gian quảng cáo nhằm thu vào lợi nhuận.

B2C dựa vào cộng đồng

B2C dựa vào cộng đồng là hình thức mà doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc xây dựng các cộng đồng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook,... Chẳng hạn như Nhóm mẹ bỉm, Hội những người thích Phú Quý, Hội những người thích Iphone,... Khi tạo ra một cộng đồng trực tuyến, doanh nghiệp có thể quảng bá các sản phẩm/ dịch vụ của mình đến với các thành viên trong nhóm, song song đó cũng cần tạo ra những nội dung có giá trị. Hình thức này cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng với đối tượng mục tiêu dựa vào những dữ liệu như tên, vị trí địa lý, sở thích,...

B2C dựa trên phí

Mô hình kinh doanh B2C dựa trên phí là hình thức triển khai trên các ứng dụng, phần mềm trả phí, website, chẳng hạn như Netflix, Youtube Premium, Spotify, các khóa học trực tuyến,... Những trang web này vẫn có thể có nội dung miễn phí, nhưng nếu muốn trải nghiệm mà không bị chèn quảng cáo, hoặc xem được hết tất cả nội dung, người dùng bắt buộc phải trả một khoản phí nhất định.

Các mô hình kinh doanh B2C phổ biến hiện nay

Phân biệt mô hình kinh doanh B2C và B2B

Đặc điểm

B2C

B2B

Khách hàng

Người tiêu dùng cuối cùng

Các tổ chức, doanh nghiệp

Số lượng mua hàng

Số lượng hàng hoá nhỏ lẻ

Số lượng hàng hoá lớn, giá trị cao

Mối quan hệ

Nhà bán lẻ - Người tiêu dùng

Nhà cung cấp - Nhà sản xuất
Nhà sản xuất - Nhà bán buôn
Nhà bán buôn - Nhà bán lẻ

Tốc độ

Diễn ra trong thời gian ngắn, bằng cách liên tục cập nhật các thông điệp, hình ảnh quảng cáo, doanh nghiệp có thể thúc đẩy quyết định mua hàng của khách hàng

Chu kỳ bán hàng kéo dài, có thể là một vài tháng đến vài năm

Quá trình ra quyết định

Khách hàng ra quyết định mua hàng nhanh chóng khi họ cảm thấy sản phẩm/ dịch vụ đó phù hợp với mình

Khách hàng quyết định dựa trên lý tính, chịu nhiều sự chi phối của các bộ phận/ phòng ban trong doanh nghiệp

Quy trình giao dịch

Khách hàng chỉ việc thanh toán rồi nhận hàng

Quy trình phức tạp, qua nhiều bước, nhiều cân nhắc về hợp đồng

Chiến lược Marketing

Phải nhấn mạnh vào tính cá nhân hóa, trải nghiệm cũng như kỹ năng chốt sales

Xây dựng hình ảnh thương hiệu, danh tiến cũng như mối quan hệ hợp tác bền chặt

Người ra quyết định mua

Khách hàng cá nhân

Nhiều bộ phận/ phòng ban trong doanh nghiệp

Thanh toán

Trả ngay/ trả góp

Tuân theo hợp đồng

Sản phẩm/ dịch vụ

Đa dạng

Sản phẩm/ dịch vụ chuyên môn

Bên cạnh các yếu tố khác nhau giữa B2B và B2C đã đề cập ở trên, trong đó một điểm đáng chú ý là khả năng thương lượng giá.

Trong mô hình B2B, thương lượng giá thường dễ dàng hơn so với B2C. Lý do chính là do tính chất của quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp ký hợp đồng với nhau hoặc thực hiện các giao dịch lớn, giá cả thường không được công bố công khai và có thể thương lượng trực tiếp giữa hai bên. Doanh nghiệp thường có các chính sách giá linh hoạt và có thể điều chỉnh giá dựa trên yêu cầu cụ thể của đối tác kinh doanh. Việc này tạo điều kiện thuận lợi để thương lượng giá hơn và tìm ra các thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.

Ngược lại, trong mô hình B2C, giá cả thường được niêm yết công khai và rõ ràng cho khách hàng. Trong hầu hết trường hợp, khách hàng không có khả năng thương lượng giá trực tiếp với doanh nghiệp. Giá đã được định sẵn và khách hàng thường phải chấp nhận hoặc từ chối mà không thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả. Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt hoặc khi mua số lượng lớn, khách hàng có thể thương lượng giá, nhưng điều này không phổ biến như trong mô hình B2B.

Chiến lược Marketing hiệu quả cho mô hình B2C

Các chiến dịch B2C hiệu quả bắt đầu bằng nghiên cứu thị trường sâu rộng. Để tạo thông điệp hiệu quả và chọn các yếu tố chiến dịch phù hợp, các doanh nghiệp B2C cần biết khách hàng là ai, họ có sở thích gì, đang gặp vấn đề, khó khăn gì, họ muốn gì và tìm họ ở đâu. Một số chiến lược Marketing hiệu quả cho mô hình B2C phải kể đến như:

  1. Tối ưu hóa Website
  2. Tối ưu content SEO cho Website
  3. Social Media
  4. Email marketing
  5. Ứng dụng di động
  6. Cá nhân hoá 

Tối ưu hóa Website

Khi trang web được tối ưu hoá, nó cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn với giao diện dễ sử dụng, tốc độ tải trang nhanh, thông tin sản phẩm/ dịch vụ dễ tìm thấy. Điều này giúp tăng khả năng người dùng thực hiện hành động mua hàng.

Thêm vào đó, tối ưu hóa Website cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Một trang web tối ưu hoá sẽ thể hiện đúng giá trị và thông điệp của doanh nghiệp, tạo được ấn tượng tốt với khách hàng, từ đó xây dựng lòng tin. Điều này giúp nâng cao nhận diện thương hiệu và tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.

Tối ưu content SEO cho Website

Tối ưu hóa content SEO giúp cải thiện việc hiển thị trang web trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Cốc Cốc,... Khi một người dùng tìm kiếm từ khóa liên quan đến sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, việc có các bài viết liên quan do doanh nghiệp cung cấp sẽ tăng cơ hội tiếp cận và xây dựng uy tín trong lòng khách hàng.

Lưu ý rằng nội dung được tối ưu hoá không chỉ chứa từ khóa, mà còn phải cung cấp thông tin hữu ích, đáng tin cậy và hấp dẫn. Điều này giúp tạo sự kết nối với khách hàng, tạo niềm tin và tăng khả năng khách hàng thực hiện hành động mua hàng.

Social Media

Với số lượng người dùng đông đảo trên các nền tảng như Facebook, Instagram, Tiktok, YouTube,... doanh nghiệp có thể tiếp cận một lượng khách hàng tiềm năng rất lớn thông qua việc triển khai các chiến dịch Marketing tại đây như sản xuất nội dung chất lượng, chạy quảng cáo,... 

Một lợi ích quan trọng của Social Media trong mô hình B2C là tạo ra sự tương tác tích cực giữa doanh nghiệp với khách hàng. Bằng cách trả lời những thắc mắc, nhận phản hồi và đáp ứng nhanh chóng đối với yêu cầu của khách hàng. Điều này giúp xây dựng lòng tin, tạo ra sự gắn kết, từ đó tăng khả năng trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp.

Email marketing

Email marketing cho phép doanh nghiệp gửi thông điệp trực tiếp đến hộp thư của khách hàng. Việc gửi email có thể mang tính chất quảng cáo, thông báo về khuyến mãi, tin tức sản phẩm mới hoặc nội dung giá trị và thông tin hữu ích, điều này có thể tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả.

Ngoài ra, thông qua email marketing, doanh nghiệp có thể gửi các thông điệp cá nhân hóa và tương tác trực tiếp với khách hàng. Việc chia sẻ nội dung giá trị, hỏi ý kiến, nhận phản hồi và đáp ứng nhanh chóng qua email giúp tạo sự kết nối tốt hơn với khách hàng và thúc đẩy hành động mua hàng.

Ứng dụng di động

Sự phát triển bùng nổ của công nghệ đã giúp các ứng dụng di động tiện lợi, linh hoạt lần lượt ra đời. Với số lượng người dùng di động ngày càng tăng, việc có một App giúp doanh nghiệp tiếp cận đến một đối tượng khách hàng rộng lớn và tiềm năng.

Trên App cung cấp các ưu đãi đặc biệt và chương trình dành riêng cho khách hàng trung thành. Việc cung cấp điểm thưởng, mã giảm giá, quà tặng và các ưu đãi độc quyền qua App giúp khách hàng cảm thấy được trân trọng. Điều này khuyến khích khách hàng trung thành và tạo động lực để tiếp tục sử dụng, mua hàng từ doanh nghiệp.

Thực hiện chiến lược Marketing qua ứng dụng di động cũng giúp xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp B2C. Ứng dụng di động mang thương hiệu của doanh nghiệp, cung cấp trải nghiệm tương tác và giao dịch trực tiếp cho khách hàng. Việc tạo ra một ứng dụng di động chất lượng, có giao diện thân thiện và tích hợp các tính năng hữu ích giúp tạo sự nhận diện thương hiệu tích cực.

Cá nhân hoá 

Cá nhân hoá trong mô hình B2C nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu đặc thù của từng khách hàng một cách tốt nhất. Thay vì tiếp cận một cách chung chung, cá nhân hoá cho phép doanh nghiệp nắm bắt thông tin cá nhân, sở thích và hành vi tiêu dùng của mỗi khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp tạo ra các chiến dịch Marketing mà khách hàng có thể đồng cảm và nhận thấy có giá trị đối với mình.

Thông qua việc gửi thông điệp cá nhân hoá, doanh nghiệp có thể tạo cảm giác riêng tư và quan tâm đến từng khách hàng. Việc gửi email, thông báo hay tin nhắn cũng giúp khách hàng cảm thấy mình đặc biệt với doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy hành động mua hàng và tăng sự tương tác tích cực 2 chiều. Điều này cũng góp phần vào việc xây dựng thương hiệu một cách tốt hơn.

Chiến lược Marketing hiệu quả cho mô hình B2C

Một số câu hỏi thường gặp về B2C

  1. Thách thức của mô hình kinh doanh B2C là gì?
  2. Để bán hàng B2C, cần những yếu tố gì?
  3. Ví dụ về mô hình kinh doanh B2C?
  4. Tương lai của B2C trong Thương mại điện tử?

Thách thức của mô hình kinh doanh B2C là gì?

1. Cạnh tranh khốc liệt

Ngày nay, với sự chuyển mình mạnh mẽ của công cuộc chuyển đổi số, hình thức kinh doanh trực tuyến qua các trang mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Instagram,... đã khiến thị trường B2C trở thành một miếng bánh ngon mà ai cũng muốn dành thị phần. Chính sự cạnh tranh khốc liệt này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những chiến lược Marketing hiệu quả để tiếp cận và giữ chân khách hàng.

2. Khách hàng đòi hỏi sự linh hoạt và nhanh chóng

Khách hàng B2C thường mong muốn được phục vụ nhanh chóng, linh hoạt và đúng yêu cầu, kỳ vọng của họ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có khả năng đáp ứng nhanh chóng, kịp thời và linh hoạt cho khách hàng

3. Khách hàng đa dạng và dần có những yêu cầu, kỳ vọng cao hơn

Khách hàng B2C giờ đây luôn có những yêu cầu, kỳ vọng cao hơn từ sản phẩm/ dịch vụ của khách hàng. Nếu không đáp ứng kịp thời, doanh nghiệp có thể để khách hàng vào tay đối thủ. Do đó, cần cung cấp những sản phẩm/ dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng.

4. Chi phí marketing cao

Chi phí Marketing trong mô hình kinh doanh B2C thường cao do số lượng khách hàng lớn và sự cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp phải có chiến lược Marketing hiệu quả và tiết kiệm chi phí để đạt được lợi nhuận cao hơn.

5. Quản lý kho và giá cả

Số lượng khách hàng lớn đòi hỏi các doanh nghiệp phải quản lý kho hàng và giá cả một cách hiệu quả, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tối ưu hóa lợi nhuận.

6. Thị trường thay đổi nhanh chóng

Thị trường B2C thường có xu hướng thay đổi nhanh chóng, các sản phẩm/ dịch vụ mới liên tục được cập nhật nhằm phù hợp với xu hướng của thị trường. Nếu không chịu thay đổi, điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không thể cạnh tranh và khó để tồn tại trên thị trường.

Để bán hàng B2C, cần những yếu tố gì?

  • Kỹ năng giao tiếp xuất sắc và xử lý các vấn đề một cách linh hoạt. Đồng thời luôn giữ một tâm thế thoải mái, tạo ra năng lượng tích cực với khách hàng nhằm giúp họ nhanh chóng đưa ra quyết định mua
  • Hiểu rõ về sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp mình cung cấp, giữ thái độ tôn trọng, tạo dựng sự uy tín và xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm/ dịch vụ
  • Nắm bắt được insight khách hàng một cách hiệu quả, với mục đích khơi gợi nhu cầu mua hàng của khách hàng. Đồng thời kết nối liên tục với khách hàng để đem lại trải nghiệm tốt cho họ.

Ví dụ về mô hình kinh doanh B2C?

Mô hình kinh doanh B2C được áp dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, từ thời trang, công nghệ, thực phẩm đến thể thao và giải trí. Chẳng hạn như:

  • Zara: Một thương hiệu thời trang nổi tiếng, cung cấp các sản phẩm thời trang như giày dép, quần áo, phụ kiện cho người tiêu dùng. Zara có cửa hàng trực tiếp tại các Trung tâm thương mại lớn và trang web bán hàng trực tuyến, cho phép khách hàng trải nghiệm mua sắm hoặc đặt hàng trực tuyến nhanh chóng.
  • Apple: Apple là một thương hiệu công nghệ nổi tiếng, cung cấp các sản phẩm như iPhone, iPad, MacBook và các phụ kiện đi kèm. Các sản phẩm của Apple đều được thiết kế để phục vụ nhu cầu của người dùng cá nhân chứ không phải là cho các doanh nghiệp/ tổ chức.

Một số câu hỏi thường gặp về B2C

Tương lai của B2C trong Thương mại điện tử?

Tương lai của B2C trong Thương mại điện tử phần lớn phụ thuộc vào trải nghiệm của khách hàng. Các doanh nghiệp có thể áp dụng các công nghệ tương tác mới, đặc biệt là bây giờ khi Web3 đang hoạt động mạnh mẽ. Chẳng hạn, các ứng dụng AR và VR có thể biến các cửa hàng trực tuyến thành môi trường trải nghiệm thực tế mà nhiều người tiêu dùng phải ghé thăm. Điều này sẽ kích thích bán hàng hiệu quả.

Các doanh nghiệp B2C giữ một vị trí quan trọng trên thị trường hiện tại, phục vụ hàng triệu người trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp B2C sẽ tiếp tục phát triển cùng với thương mại điện tử, giữa những xu hướng mua sắm trên mạng xã hội và thiết bị di động. Để đảm bảo thành công cho doanh nghiệp B2C, các nhà quản lý phải xác định được những gì khách hàng muốn và làm bật các sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh.

>> Tham khảo: Top 20+ cuốn sách hay về kinh doanh nổi tiếng nên đọc

Chương trình đào tạo

CCO - GIÁM ĐỐC KINH DOANH
CCO - Chief Customer Officer

Khóa học CCO góp phần xây dựng một lực lượng phát triển kinh doanh chuyên nghiệp
cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Khởi đầu thế hệ CCO mới với Tinh thần mới, Con người mới cho nền kinh thương mới.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Chương trình đào tạo

KỸ NĂNG BÁN HÀNG CHUYÊN NGHIỆP
Professional Selling Skills

Khóa học đào tạo Kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp do PACE tổ chức, giúp học viên thấu hiểu về khách hàng, để từ đó biết cách bán hàng thành công, biết cách quản lý khách hàng, chăm sóc khách hàng và phát triển khách hàng mới.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 374