Ông Howard Wallack chia sẻ kinh nghiệm về quản trị nhân sự toàn cầu tại hội thảo (Theo thesaigontimes.vn)
Quản trị nhân sự không phải là người ăn rồi ngồi lo tuyển dụng, hành chính, phúc lợi, xếp loại lương cho nhân viên, mà phải là bộ mặt doanh nghiệp, cầu nối giữa chiến lược và đội ngũ, người phát triển sức mạnh đội ngũ, kiển tạo văn hóa của doanh nghiệp, tổ chức…
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Doanh Nhân PACE, nói như thế để nhấn mạnh rằng bối cảnh hội nhập toàn cầu kinh tế đang đòi hỏi một hình dung mới về công việc quản trị nhân sự tại Việt Nam.
Cũng tại hội thảo chủ đề Hướng đến chuẩn mực toàn cầu cho nghề quản trị nhân sự tại Việt Nam, do PACE phối hợp với Hiệp hội Quản trị Nhân sự Hoa Kỳ (SHRM) tổ chức sáng 1-8-2015 tại TP.HCM, ông Trung cho biết, trường Doanh Nhân PACE đang làm một nghiên cứu thăm dò về nhận thức hội nhập của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy cuối năm 2015 mới công bố số liệu cụ thể, nhưng những dữ liệu ban đầu cho thấy nhận thức hội nhập của doanh giới Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia khác.
Trong lời đề dẫn, hiệu trưởng trường Doanh Nhân PACE cho rằng, hội nhập kinh tế toàn cầu đặt doanh nghiệp Việt Nam trong tương quan cạnh tranh với quốc tế thì nghề quản trị nhân sự tại Việt Nam không còn là một nghề đối nội mà phải mang ý nghĩa đối ngoại; phải đóng vai trò kiến tạo sự thay đổi, đem lại nguồn sức mạnh bền vững, tạo ra những giá trị toàn cầu. Nhưng những thách thức chính là gì?
Ba thách thức của công việc quản trị nhân sự toàn cầu được ông Howard Wallack, Phó Chủ tịch SHRM, nêu ra gồm: làm sao giữ chân và đãi ngộ tốt cho người tài; làm sao phát triển đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm xứng đáng đáp ứng yêu cầu phát triển; và làm sao xây dựng một văn hóa doanh nghiệp có khả năng thu hút những người giỏi nhất đến làm việc.
Ông Howard Wallack chia sẻ thêm về những chủ đề được giới nghiên cứu và quản trị nhân sự quốc tế quan tâm gần đây khi bàn về năng lực quản trị nhân sự, đó là: Năng lực lãnh đạo, Quản trị tài năng và Hành vi và văn hóa. Trong đó, ông dành nhiều thời gian để nói về vai trò của những nhà quản trị nhân sự, đó là nhà kiến tạo văn hóa cho doanh nghiệp thì nhất thiết phải am hiểu về văn hóa.
“Hiểu biết về văn hóa phải được trang bị trước khi nói chuyện làm ăn kinh doanh,” ông Phó Chủ tịch SHRM nói và diễn giải thêm bằng nhiều lời khuyên sinh động. Ví dụ: Phải học thêm nhiều ngoại ngữ để có thể giao tiếp, trong trường hợp không học được thông thạo thì cũng phải biết những vốn từ cần cho giao tiếp cơ bản; Phải hiểu và hòa nhập văn hóa, phong tục cũng như ý niệm thời gian ở những địa phương khác nhau để giao tiếp, tổ chức, xử lý công việc phù hợp và hiệu quả. Người làm công việc quản trị nhân sự rất nên đi ra khỏi thành phố lớn mà mình đang sống bằng phương tiện công cộng, tìm hiểu, thâm nhập đời sống người dân vùng ven, những đô thị lân cận thì mới hiểu được nhiều hoàn cảnh đời sống từng nhân viên của mình để hiểu và chia sẻ với họ. Những ứng xử văn hóa khác như chào hỏi, cách thức tặng quà, sự thể hiện óc hài hước, sự tự trào đúng nơi đúng chỗ v.v. cũng giúp cho công việc quản trị nhân sự toàn cầu có hiệu quả.
Những gì được chia sẻ là kinh nghiệm của một chuyên gia người Mỹ, có 25 năm kinh nghiệm làm quản trị nhân sự và từng làm việc ở 91 quốc gia trên thế giới.
Có khoảng 600 người đã tham dự buổi hội thảo – diễn thuyết. Nhiều trao đổi, băn khoăn của những người làm quản trị nhân sự được đặt ra nhưng tựu trung, yêu cầu chính yếu nhất mà chuyên gia Howard Wallack nêu ra như một thứ chuẩn mực cho nghề quản trị nhân sự toàn cầu đó chính là khả năng luôn thích ứng với những đổi thay và cần những trang bị kỹ năng, tri thức, năng lực văn hóa để tạo ra những giá trị mới cho công việc của mình.
(Theo thesaigontimes.vn)