Mobile Marketing là gì? Các hình thức Mobile Marketing phổ biến

Khi điện thoại di động và các thiết bị cầm tay khác được sử dụng rộng rãi, Mobile Marketing ngày càng phát triển mạnh mẽ và là chiến lược giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Có thể thấy, thị trường Mobile Marketing toàn cầu năm 2020 đã ghi nhận mức trị giá 11 tỷ USD và dự báo sẽ tăng trưởng gấp 5 lần, đạt 57,85 tỷ USD vào năm 2030

Mobile Marketing là gì?

Mobile Marketing là một hình thức Marketing thông qua các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng để tiếp cận người dùng với nhiều hình thức như quảng cáo trên ứng dụng (in-app ads), thông báo đẩy (push notifications), SMS marketing, email tối ưu hóa cho di động và nhiều công cụ khác nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng.

Do tính tiện lợi và phổ biến của các thiết bị di động, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận đối tượng mục tiêu, cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ và xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Ngoài ra, với sự phát triển của các ứng dụng và công nghệ di động, doanh nghiệp có thể thu thập dữ liệu chi tiết về hành vi người dùng, từ đó tinh chỉnh và tối ưu hóa các chiến lược Marketing để đạt hiệu quả cao hơn.

mobile marketing là gì
Mobile Marketing là chiến lược Marketing tiếp cận khách hàng mục tiêu thông qua điện thoại di động

Ưu nhược điểm của mobile marketing

  1. Ưu điểm
  2. Nhược điểm của Mobile Marketing

Ưu điểm

Với số lượng người dùng di động toàn cầu dự kiến đạt 7,49 tỷ người năm 2025, Mobile Marketing hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp.

Tiếp cận khách hàng nhanh chóng và trực tiếp

Điện thoại thông minh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, khi người dùng dành trung bình 3-4 giờ/ngày để tương tác với thiết bị này. Đây là cơ hội vàng cho doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách tức thời và hiệu quả, bất kể thời gian hay địa điểm. Mobile Marketing cho phép doanh nghiệp truyền tải thông điệp nhanh chóng, từ chương trình khuyến mãi, thông tin giảm giá ngắn hạn đến các sự kiện đặc biệt, mà không cần dựa vào các phương tiện truyền thông truyền thống như TV hay báo chí.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của công nghệ định vị GPS, doanh nghiệp có thể gửi thông báo được cá nhân hóa dựa trên vị trí của khách hàng. Điều này giúp tạo ra những thông điệp đúng thời điểm, thúc đẩy hành động ngay lập tức như ghé thăm cửa hàng gần nhất hoặc tận dụng ưu đãi khi họ đang ở gần địa điểm kinh doanh. Khả năng tiếp cận trực tiếp và liên tục này mang đến cho doanh nghiệp lợi thế vượt trội trong việc duy trì sự hiện diện và tương tác với khách hàng mục tiêu.

Cá nhân hóa nội dung

Trong môi trường mà người tiêu dùng phải đối mặt với khoảng 10.000 quảng cáo mỗi ngày, cá nhân hóa nội dung (Personalization) trở thành chìa khóa để thu hút sự chú ý và thúc đẩy tương tác. Khi thông điệp được điều chỉnh chính xác theo sở thích và nhu cầu riêng của từng khách hàng, họ sẽ cảm thấy được quan tâm hơn, từ đó tăng khả năng kết nối sâu sắc và tạo ra sự tương tác tích cực.

Thông qua việc thu thập dữ liệu người dùng từ lịch sử tìm kiếm, hành vi tiêu dùng và vị trí địa lý, doanh nghiệp có thể tạo ra các chiến dịch Mobile Marketing phù hợp với từng cá nhân hoặc phân khúc khách hàng. 

Tỷ lệ mở và tương tác cao

Theo thống kê, tỷ lệ mở của tin nhắn SMS có thể đạt đến 98%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ mở email truyền thống. Thông báo đẩy cũng có khả năng tương tác nhanh chóng khi người dùng có thể nhận được thông báo ngay trên màn hình điện thoại mà không cần phải mở ứng dụng. Điều này là do người dùng có xu hướng kiểm tra điện thoại của mình nhiều lần trong ngày và thường phản hồi nhanh chóng với các thông báo mà họ nhận được trên thiết bị di động.

Đa dạng kênh tiếp thị

Mobile Marketing cung cấp một loạt các kênh khác nhau giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc chọn lựa phương thức phù hợp nhất với mục tiêu của mình. Chẳng hạn, SMS có thể hiệu quả trong việc truyền tải các thông điệp khẩn cấp hoặc các thông tin ngắn gọn, trong khi quảng cáo trên mạng xã hội có thể tạo ra tương tác và lan tỏa nội dung một cách mạnh mẽ hơn. Sự đa dạng này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược Marketing, tiếp cận khách hàng theo nhiều cách và đạt được hiệu quả mong muốn.

Tính tương tác cao

Mobile Marketing không chỉ là việc truyền tải thông điệp một chiều mà còn khuyến khích sự tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng. Các kênh Marketing Mobile như ứng dụng di động, Social Media hoặc các chương trình khảo sát qua SMS cho phép khách hàng phản hồi lại thông tin hoặc tham gia vào các hoạt động do doanh nghiệp tổ chức.

Giả sử, doanh nghiệp có thể sử dụng các chương trình trò chơi, khảo sát hoặc quà tặng qua ứng dụng di động để khuyến khích khách hàng tương tác. Để qua đó, tạo ra sự tham gia tích cực và thu thập thêm dữ liệu về hành vi và sở thích của khách hàng, từ đó tiếp tục cải thiện trải nghiệm và điều chỉnh chiến lược Marketing.

ưu điểm của mobile marketing
Tính tương tác và khả năng chuyển đổi cao là những lợi ích của Mobile Marketing

Nhược điểm của Mobile Marketing

Tuy mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, song Mobile Marketing vẫn tiềm ẩn một số hạn chế nhất định mà người làm Marketing cần lưu ý:

  • Khả năng gây khó chịu cho người dùng: Quảng cáo quá thường xuyên hoặc không phù hợp có thể gây phiền toái và làm người dùng cảm thấy bị làm phiền. Nếu không quản lý tốt, Mobile Marketing có thể phản tác dụng và khiến khách hàng hủy đăng ký nhận thông tin.

  • Vấn đề bảo mật và quyền riêng tư: Thu thập dữ liệu cá nhân như vị trí địa lý, lịch sử tìm kiếm có thể dẫn đến lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư của người dùng. Việc không tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu, doanh nghiệp có thể gặp rắc rối về pháp lý và mất lòng tin từ khách hàng.

  • Phụ thuộc vào kết nối Internet: Các chiến dịch Mobile Marketing hầu hết đều yêu cầu kết nối Internet. Ở những khu vực có kết nối yếu hoặc chi phí dữ liệu cao, việc tiếp cận khách hàng có thể bị hạn chế.

  • Chi phí phát triển ứng dụng và tối ưu hóa di động: Một số chiến dịch Mobile Marketing yêu cầu xây dựng ứng dụng di động hoặc tối ưu hóa trang web cho thiết bị di động, điều này có thể tốn kém về thời gian và tài nguyên. Để cạnh tranh hiệu quả, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ và thiết kế tối ưu, đồng thời phải liên tục cập nhật để bắt kịp xu hướng công nghệ.

  • Giới hạn kích thước màn hình: Do màn hình thiết bị di động nhỏ, việc truyền tải thông điệp quảng cáo bị giới hạn về không gian nên các nội dung cần được thiết kế tinh gọn và trực quan hơn. Tuy nhiên, việc này có thể hạn chế khả năng sáng tạo hoặc làm giảm hiệu quả thông điệp trong một số trường hợp.

nhược điểm của mobile marketing
Việc quảng cáo quá nhiều có thể khiến người dùng khó chịu và thực hiện chặn

Các hình thức Mobile Marketing phổ biến

SMS Marketing

SMS Marketing là hình thức Marketing bằng cách gửi tin nhắn văn bản (SMS) trực tiếp đến điện thoại di động của khách hàng. Đây là một trong những phương pháp phổ biến và truyền thống nhất của Mobile Marketing, cho phép doanh nghiệp gửi các thông báo, ưu đãi đặc biệt hoặc thông tin về sản phẩm/dịch vụ. SMS Marketing có tính hiệu quả cao vì tỷ lệ mở tin nhắn rất cao, gần như ngay lập tức và thường không yêu cầu kết nối internet. Tuy nhiên, nó cần tuân thủ các quy định pháp lý về quyền riêng tư và sự đồng ý của người nhận (opt-in).

Tiếp thị qua SMS có hiệu quả về mặt chi phí, mang lại lợi tức đầu tư (ROI) cao hơn các kênh tiếp thị khác, khoảng 71USD cho mỗi đô la chi phí. Nhờ vào chi phí thấp khi gửi tin nhắn hàng loạt và tỷ lệ tương tác cao, chi phí cho mỗi lần thu hút khách hàng thông qua SMS trở nên rất hợp lý. Doanh nghiệp có thể tiếp cận lượng lớn khách hàng mà không cần đầu tư quá nhiều vào ngân sách tiếp thị. Ngoài ra, các chiến dịch SMS đơn giản, không yêu cầu thiết kế phức tạp hoặc tạo nội dung dài dòng, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất. Điều này làm cho tiếp thị qua SMS trở thành một giải pháp dễ tiếp cận cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ giới hạn cho các tập đoàn lớn.

MMS (Tin nhắn đa phương tiện)

MMS (Multimedia Messaging Service) là hình thức Marketing gửi tin nhắn đa phương tiện như hình ảnh, video, âm thanh hoặc văn bản phong phú đến khách hàng. Theo một nghiên cứu của Adope, người dùng có xu hướng chia sẻ tin nhắn MMS cao gấp 8 lần so với tin nhắn SMS.

Khác với SMS chỉ chứa nội dung dạng văn bản, MMS có thể mang lại trải nghiệm sinh động hơn, giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp sản phẩm một cách sáng tạo và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, chi phí gửi tin nhắn MMS thường cao hơn so với SMS và yêu cầu thiết bị di động của người nhận hỗ trợ dịch vụ MMS.

In-App Advertising

In-App Advertising (Quảng cáo trong ứng dụng) là hình thức quảng cáo hiển thị bên trong các ứng dụng di động mà người dùng đang sử dụng. Các quảng cáo này có thể xuất hiện dưới dạng banner, video hoặc quảng cáo tương tác. Phương thức này được các chuyên gia đánh giá cao về sự hiệu quả vì tiếp cận được người dùng trong môi trường họ thường xuyên truy cập và dành nhiều thời gian, giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi. In-App Advertising cũng có khả năng nhắm đến đối tượng mục tiêu dựa trên dữ liệu sử dụng ứng dụng, hành vi và sở thích của người dùng.

Push Notification

Push Notification (Thông báo đẩy) là tin nhắn thông báo được gửi trực tiếp từ ứng dụng di động đến màn hình của người dùng, kể cả khi ứng dụng không được mở. Đây là một công cụ mạnh mẽ để giữ chân người dùng và cung cấp thông tin về các cập nhật, chương trình khuyến mãi hoặc thông tin quan trọng từ ứng dụng. Push Notification cho phép doanh nghiệp duy trì tương tác với khách hàng một cách thường xuyên mà không cần phải mở ứng dụng, nhưng nếu lạm dụng, nó có thể gây phiền toái và dẫn đến việc người dùng tắt thông báo.

Mobile app Marketing

Mobile App Marketing tập trung vào việc thu hút, tương tác và giữ chân người dùng thông qua các ứng dụng di động. Nó bao gồm việc quảng bá ứng dụng, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trong app, cũng như các chiến dịch Marketing nhằm gia tăng số lượng tải về và tần suất sử dụng ứng dụng. Các chiến lược phổ biến bao gồm ASO (App Store Optimization), quảng cáo trả tiền (Paid Advertising) và sử dụng các chương trình khuyến khích người dùng chia sẻ ứng dụng. Một ứng dụng có thiết kế và chức năng tốt sẽ dễ dàng thu hút người dùng hơn và từ đó cải thiện hiệu suất marketing.

Location-based Marketing (Tiếp thị dựa trên vị trí)

Location-based Marketing sử dụng dữ liệu vị trí của người dùng để cung cấp nội dung hoặc quảng cáo dựa trên vị trí địa lý hiện tại của họ. Ví dụ, một cửa hàng có thể gửi khuyến mãi đặc biệt cho người dùng khi họ ở gần cửa hàng đó. Điều này giúp tăng tính cá nhân hóa và khả năng chuyển đổi vì nội dung tiếp cận đúng thời điểm và địa điểm phù hợp. Hình thức này thường kết hợp với GPS, Bluetooth hoặc Wi-Fi để xác định vị trí chính xác của người dùng.

Thị trường Location-Based Marketing đang tăng trưởng nhanh chóng nhờ vào xu hướng cá nhân hóa ngày càng cao từ phía người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nhận thấy lợi ích của việc đưa ra những thông điệp cụ thể và cá nhân hóa theo vị trí. Dự báo cho thấy thị trường Location-Based Marketing toàn cầu sẽ đạt tới 174,8 tỷ USD vào năm 2028, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ đối với trải nghiệm tiếp thị trực tiếp và cá nhân hóa.

Mobile Search Ads (Quảng cáo tìm kiếm trên di động)

Mobile Search Ads là hình thức quảng cáo trả phí xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm khi người dùng thực hiện tìm kiếm trên thiết bị di động. Các quảng cáo này thường có hình thức hiển thị tương tự như kết quả tìm kiếm tự nhiên nhưng có thêm nhãn “Quảng cáo” (Ad). Quảng cáo tìm kiếm trên di động cho phép doanh nghiệp xuất hiện ngay khi người dùng tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan, giúp tăng khả năng thu hút khách hàng tiềm năng và tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch marketing.

Quảng cáo qua mạng xã hội di động

Quảng cáo qua mạng xã hội di động là hình thức quảng cáo hiển thị trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Twitter, TikTok hoặc Zalo thông qua ứng dụng di động. Đây là một trong những kênh Mobile Marketing hiệu quả nhất hiện nay, do lượng người dùng di động trên các mạng xã hội rất lớn. Quảng cáo có thể được nhắm đến đối tượng mục tiêu dựa trên hành vi, sở thích, độ tuổi, giới tính và vị trí, mang lại hiệu quả tiếp cận cao và tối ưu hóa ngân sách quảng cáo.

QR Code Marketing

QR Code Marketing sử dụng mã QR (Quick Response) để cung cấp thông tin, khuyến mãi hoặc dẫn người dùng đến trang web hoặc ứng dụng cụ thể khi quét mã bằng điện thoại di động. QR Code là một công cụ mạnh mẽ để kết nối trực tiếp từ môi trường vật lý (như biển quảng cáo, tờ rơi) sang thế giới kỹ thuật số, giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và tăng tính tương tác. Nó đặc biệt phổ biến trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm, sự kiện hoặc khuyến mãi đặc biệt.

WAP (Giao thức ứng dụng không dây)

WAP (Wireless Application Protocol) là một giao thức truyền tải dữ liệu qua mạng không dây, cho phép người dùng truy cập Internet trên các thiết bị di động trước khi mạng di động hiện đại và các trình duyệt di động ra đời. Mặc dù đã lỗi thời với sự phát triển của mạng 4G và 5G, WAP vẫn là một công cụ quan trọng trong Mobile Marketing.

các hình thức mobile marketing
Mobile Marketing bằng SMS thường có mang lại hiệu quả cao

Cách triển khai chiến dịch Mobile Marketing

  1. Bước 1: Nghiên cứu thị trường
  2. Bước 2: Xác định mục tiêu của chiến dịch
  3. Bước 3: Chọn chiến lược phù hợp
  4. Bước 4: Tạo các chiến dịch thân thiện với thiết bị di động
  5. Bước 5: Theo dõi, phân tích và tối ưu kết quả

Bước 1: Nghiên cứu thị trường

Trước khi bắt tay vào bất kỳ chiến dịch Marketing nào, việc nghiên cứu thị trường là bước quan trọng để hiểu rõ về khách hàng mục tiêu. Đối với Mobile Marketing, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu về hành vi sử dụng di động của người tiêu dùng, như thời gian họ thường truy cập, loại ứng dụng họ sử dụng nhiều nhất và họ tương tác với quảng cáo trên di động như thế nào. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đánh giá tình hình cạnh tranh, xu hướng thị trường và các yếu tố xã hội, văn hóa có ảnh hưởng đến chiến dịch của mình.

Các yếu tố cần xem xét:

  • Phân tích hành vi khách hàng trên thiết bị di động.
  • Khảo sát đối thủ cạnh tranh và các chiến lược di động họ đang áp dụng.
  • Nghiên cứu xu hướng mới trong Mobile Marketing như quảng cáo bằng video ngắn, chatbot và quảng cáo trong ứng dụng,...

Bước 2: Xác định mục tiêu của chiến dịch

Mục tiêu của chiến dịch Mobile Marketing cần phải được xác định rõ ràng để đo lường kết quả và điều chỉnh chiến lược kịp thời. Tùy thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp, mục tiêu có thể bao gồm việc tăng cường nhận diện thương hiệu, thúc đẩy doanh số, tăng lượt tải ứng dụng, hay tạo ra sự tương tác với người dùng.

Một số mục tiêu cụ thể có thể đề ra:

  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi từ người dùng di động.
  • Tạo thêm traffic từ các thiết bị di động.
  • Tăng cường mức độ tương tác và số lượng người dùng sử dụng ứng dụng di động.
  • Tăng cường nhận thức thương hiệu qua quảng cáo trên di động.

Bước 3: Chọn chiến lược phù hợp

Khi đã xác định rõ đối tượng khách hàng và mục tiêu của chiến dịch Mobile Marketing, việc chọn lựa chiến lược tiếp cận phù hợp sẽ quyết định thành công của chiến dịch. Tùy vào nguồn lực, ngành hàng và đối tượng mục tiêu, mỗi doanh nghiệp có thể chọn những phương thức khác nhau để triển khai Mobile Marketing. 

Bước 4: Tạo các chiến dịch thân thiện với thiết bị di động

Để chiến dịch Mobile Marketing đạt được hiệu quả tối ưu, điều quan trọng là nội dung và hình thức tương tác phải thân thiện với người dùng di động. Người dùng di động có những đặc điểm riêng như thời gian truy cập ngắn, sử dụng màn hình nhỏ và thường xuyên tương tác bằng cách chạm, lướt. Do đó, mọi thành phần của chiến dịch, từ trang web, trang đích, email cho đến quảng cáo, đều phải được tối ưu hóa để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng trên các thiết bị di động.

Bước 5: Theo dõi, phân tích và tối ưu kết quả

Sau khi chiến dịch Mobile Marketing đã được triển khai, việc theo dõi và phân tích kết quả là bước quan trọng để đảm bảo rằng chiến dịch đang đi đúng hướng và mang lại giá trị tối đa. Điều này không chỉ giúp đo lường hiệu suất mà còn cung cấp những dữ liệu giá trị để tối ưu hóa chiến dịch, cải thiện kết quả và điều chỉnh những chiến lược chưa hiệu quả. Đồng thời, tối đa hóa ROI và tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Các công cụ phân tích như Google Analytics, Firebase, Mixpanel hoặc Facebook Analytics đều cung cấp những dữ liệu chi tiết về hành vi người dùng và hiệu suất chiến dịch trên nền tảng di động. Qua đó, các nhà Marketer có thể dễ dàng theo dõi lượt truy cập, hành vi người dùng, tỉ lệ nhấp chuột, tỷ lệ chuyển đổi và nhiều chỉ số khác. 

các bước triển khai mobile marketing
Doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường và hành vi khách hàng trước khi triển khai Mobile Marketing

Ví dụ về Mobile Marketing thành công

  1. Starbucks
  2. KFC

Starbucks

Starbucks đã tận dụng Mobile Marketing rất thành công thông qua ứng dụng di động của mình. Ứng dụng này không chỉ cho phép khách hàng đặt hàng và thanh toán mà còn tích hợp chương trình khách hàng thân thiết. Starbucks sử dụng thông báo đẩy để cung cấp các ưu đãi cá nhân hóa, chương trình khuyến mãi và các phần thưởng dành riêng cho người dùng ứng dụng. Điều này giúp tăng tần suất ghé thăm cửa hàng và thúc đẩy sự tham gia của khách hàng với thương hiệu. Ứng dụng của Starbucks đã trở thành một trong những chương trình khách hàng thân thiết thành công nhất trong ngành F&B.

KFC

KFC đã phát triển ứng dụng di động để cung cấp cho khách hàng trải nghiệm dễ dàng và tiện lợi trong việc đặt hàng. Ứng dụng này cho phép khách hàng tìm cửa hàng gần nhất, đặt món, thanh toán trực tuyến và theo dõi đơn hàng. Bên cạnh đó, KFC thường cung cấp các chương trình khuyến mãi và phiếu giảm giá độc quyền chỉ dành cho người dùng ứng dụng, khuyến khích họ sử dụng ứng dụng thường xuyên hơn. Điều này giúp gia tăng lòng trung thành của khách hàng và tạo ra một kênh bán hàng ổn định.

Tương tự như Starbuck, KFC cũng tận dụng thông báo đẩy để tiếp cận khách hàng một cách cá nhân hóa và tức thì. Các thông báo này thường bao gồm các khuyến mãi đặc biệt, ưu đãi theo thời gian hoặc thông tin về món mới. KFC cũng sử dụng vị trí địa lý (geofencing) để gửi thông báo đến khách hàng khi họ ở gần một cửa hàng KFC, nhằm khuyến khích họ ghé thăm ngay. Cách tiếp cận này giúp tăng khả năng tương tác và thúc đẩy khách hàng hành động ngay lập tức.

Mobile marketing là một xu hướng tất yếu và mạnh mẽ trong thời đại số, giúp doanh nghiệp tiếp cận và tương tác với khách hàng hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu hoá lợi ích, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng việc cân bằng giữa cá nhân hoá và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.

Chương trình đào tạo

CMO - GIÁM ĐỐC MARKETING
CMO - Chief Marketing Officer

Khóa học CMO là chương trình đào tạo Giám Đốc Marketing chuyên nghiệp tại PACE
giúp bạn xây dựng và triển khai chiến lược Marketing tổng thể đa kênh trong bối cảnh Marketing 5.0 & AI.

Định nghĩa lại "chân dung" của Giám đốc Marketing trong kỷ nguyên số.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Chương trình đào tạo

DMI PRO - CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO DIGITAL MARKETING QUỐC TẾ
DMI PRO - World-class Training Program on Digital Marketing

Đầu tư cho đẳng cấp nghề nghiệp với Chứng chỉ Digital Marketing Quốc tế CDMP.

Chương trình giúp các Marketer trở thành Professional Digital Marketer
bằng hệ thống tư duy, kỹ năng và kiến thức Digital Marketing được chuẩn hóa trên toàn thế giới.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 372