Khi các tổ chức cố gắng xây dựng các lợi thế cạnh tranh mới trong một thế giới bị ám ảnh bởi số hóa, họ đã dần nhận ra cốt lõi của sự tái tạo của một doanh nghiệp nằm ở các nhà lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo không chỉ nằm ở các cá nhân đảm nhiệm vị trí cao trong sơ đồ tổ chức, mà còn ở toàn bộ đội ngũ - những người cùng họ chèo lái con tàu.
Các nhà lãnh đạo cấp cao cần ngồi xuống và hình dung lại vị thế doanh nghiệp và lên kế hoạch chuyển đổi để đạt được những tham vọng cao hơn. Điều này có nghĩa là giám đốc điều hành không chỉ thay đổi chính mình, mà còn ở chính cách quản lý và lãnh đạo một tập thể.
Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Strategy&, PwC đã cho thấy được tầm quan trọng của việc cân bằng các điểm tưởng chừng đối nghịch.
Nếu như trước đây chúng ta phải chấp nhận việc nhà lãnh đạo hoặc là có tầm nhìn, hoặc là có khả năng vận hành. Thì hiện nay, doanh nghiệp cần những nhà lãnh đạo thực hiện tốt cả hai vai trò trên. Các nhà lãnh đạo cũng được kỳ vọng là những người rành công nghệ, nhân văn, có tầm nhìn rộng và đổi mới. Đa phần, những người tham gia khảo sát không chỉ đồng ý về tầm quan trọng của những vai trò đó, mà họ còn bày tỏ sự quan ngại đáng báo động về năng lực lãnh đạo. Mặc dù việc xây dựng kỹ năng của từng giám đốc điều hành rất quan trọng, nhưng nhu cầu cải thiện khả năng lãnh đạo tập thể đang cấp thiết hơn bao giờ hết.
Một nhóm nghiên cứu bao gồm Paul Leinwand, Mahadeva Matt Mani, và Blair Sheppard đã phỏng vấn các giám đốc cấp cao tại 12 công ty nổi tiếng (Microsoft, Inditex, Hitachi và 9 công ty khác), đồng thời thu thập những lý do tại sao kỳ vọng về năng lực lãnh đạo đã thay đổi trong những năm qua.
Nếu các doanh nghiệp muốn bứt phá trong những năm tới,họ cần xây dựng các lợi thế cạnh tranh mới thay vì chỉ tập trung số hóa những gì đang làm. Khi đó, các doanh nghiệp phải sẵn sàng loại bỏ hệ thống cũ và xác định các giá trị mới táo bạo hơn. Các công ty dần chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác với các doanh nghiệp trong mạng lưới và hệ sinh thái nhằm tạo ra giá trị mới.
Các nhà lãnh đạo sẵn sàng thách thức mọi khía cạnh của công ty: mục đích, mô hình kinh doanh, mô hình vận hành, nhân sự và kể cả nền tảng của doanh nghiệp. Chính vì thế, các giám đốc điều hành cần đảo ngược các ý tưởng quản lý thông thường, tránh tập trung vào các lĩnh vực trách nhiệm cá nhân và đáp ứng nhu cầu tiềm năng. Hơn thế nữa, họ cũng phải làm việc cùng đội ngũ để định hình tương lai tổ chức và có kế hoạch thực thi để đạt được điều ấy.
Cốt lõi của sự tái tạo của một doanh nghiệp nằm ở các nhà lãnh đạo
(Nguồn ảnh: Freepik)
Trong phần tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ nêu ra các kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp đã tham gia khảo sát nhằm giúp các CEO xây dựng một đội ngũ lãnh đạo kiên cường vượt qua thách thức.
Phương pháp này bao gồm 4 phần chính:
1. Xác định các vai trò cần thiết của nhà lãnh đạo nhằm chuyển đổi tương lai doanh nghiệp
2. Lựa chọn nhân sự phù hợp, đáp ứng năng lực và đủ sự đa dạng để có những ý tưởng đột phá
3. Thúc đẩy tinh thần chuyển đổi doanh nghiệp trong đội ngũ lãnh đạo
4. Thúc đẩy hiệu quả trong hành vi của đội ngũ
Các nhà lãnh đạo nên thực hiện đồng thời các nhiệm vụ trên vì chúng có vai trò củng cố lẫn nhau. Đừng lo lắng về việc phải hoàn thành mọi thứ ngay từ lần đầu tiên. Dẫu biết rằng mọi thứ có thể sẽ không hoàn hảo, nhưng nhà lãnh đạo không nên dùng lý do đó cho việc không đạt được sự tiến bộ cả trên bốn phương diện trên. Mặc dù việc xây dựng kỹ năng của cấp lãnh đạo là rất quan trọng, nhưng nhu cầu cải thiện khả năng lãnh đạo của cả đội ngũ đang cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tóm lại, sự tái tạo doanh nghiệp không những đến từ năng lực của đội ngũ lãnh đạo cấp cao, mà còn đến từ toàn bộ đội ngũ. Nhưng điểm bắt đầu của hành trình này vẫn chính từ nhóm C-suite.
Nhà lãnh đạo cần xây dựng đội nhóm là những người tài năng, dành thời gian và năng lượng để khởi động các sáng kiến đầy táo bạo cho tương lai. Nếu không làm được điều này thì thật sự là một sai lầm đắt giá. Làm chủ hành vi của đội nhóm không phải là việc khiến mọi người đồng thuận với nhau trong mọi việc, mà đó là việc khuyến khích mọi người cùng đặt vấn đề lên bàn, giải quyết vấn đề cùng nhau, nhanh chóng đưa ra quyết định và cam kết về thành công của mỗi cá nhân.
Nguồn: HBR