Khởi nghiệp ngày nay là xu hướng nhận nhiều sự quan tâm của giới kinh doanh cũng như công chúng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai khởi nghiệp cũng đều thành công và đạt được thành tựu nổi bật. Đặc biệt trong thực tế nhiều nhà khởi nghiệp đã gặp không ít sai lầm về kinh doanh dẫn đến phải trả giá từ những thiếu sót ấy, thậm chí là phải trả giá nhiều lần mới có thể rút ra bài học riêng cho bản thân.
Tim Brown (CEO của IDEO) đã từng nói: “Thiên tài và phép màu không phải những yếu tố cần thiết để thành công, mà thay vào đó là một quy trình khoa học mọi người đều có thể nắm bắt, làm theo. Phương pháp Khởi nghiệp Tinh gọn (The Lean Startup Method) chứa đựng nhiều bài học quan trọng dành cho mọi người trên con đường chinh phục điều mới mẻ bí ẩn phía trước, bất kể quy mô vừa khởi nghiệp hay đã là doanh nghiệp lớn”.
1. Lean Startup – Khởi nghiệp Tinh gọn là gì?
Lean Startup – Khởi nghiệp Tinh gọn là phương pháp rất hiệu quả dành cho những người đã và đang khởi nghiệp tập trung vào việc có thể tung ra thị trường sản phẩm tối giản một cách nhanh nhất, cùng với việc đo lường và cải tiến nâng cấp.
Nói theo một cách đơn giản thì Lean Startup chính làm Startup theo một hướng ĐƠN GIẢN và HIỆU QUẢ từ quy trình và cách thức để giúp người đang khởi nghiệp quản lý quá trình hoạt động của mình.
Nếu như trong mô hình khởi nghiệp truyền thống, từ môt ý tưởng mới, sở hữu đội ngũ xuất sắc, công nghệ “đỉnh” đến việc cùng nhau làm kế hoạch kinh doanh, phân tích và tìm hiểu thị trường để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo nhất có thể. Nhưng sau khi tung ra thị trường, đa phần gặp thất bại từ ngày đầu tiên, bởi họ không hề biết cái quy trình cần sử dụng để biến tầm nhìn cũng như mục tiêu sau khi đưa sản phẩm tới khách hàng. Theo một số liệu được thống kê tại Mỹ thì cứ 10 người khởi nghiệp thì chỉ có 1 người là có thể cho là tạm thành công.
Khởi nghiệp thành công không phải là hệ quả từ bộ gen tốt hay xuất hiện đúng lúc, đúng nơi mà khởi nghiệp thành công chính là việc có thể kiểm soát được bằng cách đi theo đúng quy trình. Điều này có nghĩa là nó có thể được học hỏi lại, cũng có nghĩa là có thể được truyền đạt từ người này sang người khác.
Năm 2004, một nhóm nhà sáng lập khởi đầu một công ty mới mang tên IMVU với mong muốn thiết lập xu hướng giao tiếp bằng công nghệ mới gọi là avatar. Đây là công nghệ mà người dùng có thể kết nối với bạn bè, trò chuyện trực tuyến nhưng danh tính vẫn được bảo mật. Bản thân ông Eric Ries (tác giả The Lean Startup – Khởi nghiệp Tinh gọn) cũng là thành viên đồng sáng lập, giám đốc công nghệ của công ty. Ông cho rằng thách thức lớn nhất lúc đó chính là kỹ thuật, thay vì dành nhiều năm liền để hoàn chỉnh công nghệ, họ đã xây dựng một sản phẩm khả thi ở mức tối thiểu nhất dù sản phẩm vẫn tồn đọng nhiều thiếu sót. Sau đó công ty đã đưa sản phẩm đến cho khách hàng trước khi nó hoàn thiện. Và khi chắc chắn có những khách hàng đầu tiên, công ty tiến hành thay đổi sản phẩm không ngừng, nhanh hơn mô hình tiêu chuẩn truyền thống rất nhiều.
Trong quá trình cải tiến chất lượng sản phẩm, họ lắng nghe ý kiến khách hàng, từ đó xây dựng tiếp quá trình nâng cấp sản phẩm sao cho hoàn hảo nhất bấy giờ. Nếu theo tư duy kinh doanh truyền thống, đây là cách tiếp cận không hiệu quả nhưng thực tế thì ngược lại. Chính phương pháp mà đội ngũ IMVU tiên phong sử dụng đã trở thành căn bản cho một phong trào kinh doanh mới trên toàn thế giới. Nó hình thành từ rất nhiều kinh nghiệm quản lý cùng ý tưởng phát triển sản phẩm đi trước, bao gồm cả việc sản xuất tinh gọn, thiết kế ý tưởng, mở rộng khách hàng, và phát triển lẹ làng. Nó đại diện cho một phương pháp tiếp cận mới nhằm tạo ra cải tiến không ngừng, được gọi là Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup).
2. Lean Startup tạo sức ảnh hưởng như thế nào?
Bản thân mọi sự đầu tư cả về tiền bạc và thời gian mà không đem lại giá trị cho khách hàng đều được xem là lãng phí.
Về căn bản khởi nghiệp là chất xúc tác để chuyển ý tưởng thành sản phẩm. Mỗi khi khách hàng tương tác với sản phẩm họ sẽ tạo ra vòng phản hồi Xây dựng – Đo lường – Đúc kết. Vòng lặp này là cốt lõi của mô hình khởi nghiệp tinh gọn. Nó quan trọng hơn tiền bạc hay các giá trị khác bởi nó sẽ ảnh hưởng và định hình cho hàng loạt các sản phẩm sau này.
Do đó với mô hình khởi nghiệp tinh gọn thay vì cố gắng xây dựng một sản phẩm với đầy đủ tính năng trong một thời gian ấp ủ kéo dài với nhiều cân nhắc thì những nhà khởi nghiệp nên chọn lọc ra 1 hoặc vài tính năng cơ bản nhất rồi hoàn thiện nó. Sản phẩm được tạo ra ở giai đoạn này được gọi là MVP (Minumum Viable Product - sản phẩm khả dụng tối thiểu) bởi mục đích của MVP là bắt đầu quá trình học hỏi và mục tiêu của nó là để kiểm tra các giả thiết trong kinh doanh. Nếu thành công nhà khởi nghiệp có thể bắt đầu các bước tiếp theo của dự án bao gồm việc thử nghiệm với nhóm khách hàng mới, bổ sung nhân lực cho các phiên bản tiếp theo. Cứ như vậy sản phẩm của công ty sẽ liên tục được cải tiến và có thêm tập khách hàng mới.
Trích trong The Lean Startup – Khởi nghiệp Tinh gọn