Môi trường Marketing là gì? Phân tích các yếu tố ảnh hưởng

Trong bối cảnh đầy biến động, việc phân tích môi trường Marketing sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường. Không chỉ vậy, điều này còn mang đến khả năng dự đoán những biến động trong tương lai và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. 

Môi trường Marketing là gì?

Môi trường marketing (tiếng Anh: Marketing Environment) là tập hợp các yếu tố bên trong và bên ngoài có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động Marketing của doanh nghiệp đó. Trong đó, yếu tố bên trong có thể là nguồn nhân lực, hàng hóa, chính sách, chiến lược, tiềm lực tài chính,...; các yếu tố bên ngoài gồm kinh tế, công nghệ, nhân khẩu học, văn hóa - xã hội, chính trị - pháp luật,...

Theo Philip Kotler - Cha đẻ ngành Marketing hiện đại, ông định nghĩa về Môi trường Marketing như sau: “Môi trường Marketing đề cập đến toàn bộ những tác nhân và lực lượng bên ngoài ảnh hưởng đến khả năng phát triển và duy trì mối quan hệ giữa công ty với khách hàng mục tiêu”. 

Thông qua việc phân tích môi trường Marketing, các doanh nghiệp có thể dễ dàng thấy được những cơ hội và thách thức đối với hoạt động Marketing. Để qua đó, vận dụng các khả năng nghiên cứu của mình để dự đoán những thay đổi của môi trường và lên chiến lược ứng phó tốt nhất.

môi trường marketing
Môi trường Marketing là tập hợp các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài tác động đến doanh nghiệp

Tầm quan trọng của phân tích môi trường Marketing

Phân tích môi trường Marketing đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả và giúp giúp doanh có thể tồn tại lâu dài trên thị trường.

Xây dựng kế hoạch phát triển toàn diện

Phân tích môi trường Marketing là nền tảng cho việc xây dựng chiến lược Marketing toàn diện. Doanh nghiệp cần hiểu rõ thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh và các yếu tố tác động khác để xác định mục tiêu cụ thể, lựa chọn chiến lược phù hợp và phân bổ nguồn lực hợp lý. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa hiệu quả hoạt động Marketing, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận. 

Thấu hiểu khách hàng

Khách hàng là trọng tâm trong các nỗ lực Marketing và để biến họ thành khách hàng trung thành, doanh nghiệp phải tạo ra các giá trị đáp ứng được kỳ vọng của họ. Lúc này, việc phân tích môi trường Marketing trở nên quan trọng đối với các Marketer để hiểu được nhu cầu của khách hàng hiện tại và trong tương lai. Hơn nữa, điều này còn giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ và cho phép công ty duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường.

Hiểu rõ các thách thức và cơ hội

Các dữ liệu phân tích về đối thủ cạnh tranh, thị trường, xu hướng, khách hàng, chính phủ,... sẽ cho doanh nghiệp biết rõ những khó khăn nào đang và sẽ đối mặt trong tương lai. Qua đó, xây dựng những chiến lược ứng phó phù hợp. Không chỉ vậy, đây còn là cơ hội giúp doanh nghiệp tìm thấy “thị trường ngách” hoặc những cơ hội phát triển mới.

Tìm hiểu đối thủ cạnh tranh

Chắc chắn rằng, doanh nghiệp sẽ luôn bị đối thủ vượt mặt khi không có chiến lược cạnh tranh phù hợp. Bằng cách theo dõi và phân tích các động thái của đối thủ, doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định kịp thời và chính xác hơn, từ việc thay đổi chiến lược Marketing, cải tiến sản phẩm đến mở rộng thị trường.

Việc áp dụng những thay đổi dựa trên phân tích môi trường Marketing này không chỉ giúp doanh nghiệp giữ vững vị thế hiện tại mà còn tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đồng thời, định hình lại thị trường theo hướng có lợi cho mình.

tâm quan trọng của môi trường marketing
Việc phân tích môi trường Marketing giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển toàn diện dài hạn

Môi trường bên trong

Môi trường bên trong hay môi trường nội bộ, bao gồm tất cả các yếu tố, tài nguyên và điều kiện hoạt động bên trong tổ chức có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển của doanh nghiệp. Môi trường này gồm các thành phần chính như cơ cấu tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, nguồn nhân lực, hệ thống quản lý và các nguồn lực tài chính. Đây là những yếu tố mà doanh nghiệp có thể kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đến một mức độ nhất định.

Môi trường bên ngoài

Ngược với môi trường bên trong, môi trường bên ngoài gồm các yếu tố ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp và tác động nhiều đến chiến lược phát triển lẫn hoạt động Marketing.

Môi trường Marketing vi mô

Môi trường vi mô là tập hợp các yếu tố mà doanh nghiệp có thể kiểm soát và điều chỉnh để tối ưu hóa hoạt động Marketing của mình.

Khách hàng

Khách hàng là yếu tố quan trọng nhất trong môi trường Marketing vi mô. Họ là người tiêu dùng sản phẩm/dịch vụ và sự hài lòng sẽ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Việc hiểu rõ nhu cầu, mong muốn và hành vi tiêu dùng của khách hàng giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thị trường, từ đó xây dựng lòng trung thành và tạo ra giá trị bền vững. Doanh nghiệp cần liên tục thu thập thông tin, tìm hiểu Insight về khách hàng qua các kênh khác nhau để điều chỉnh sản phẩm/dịch vụ một cách phù hợp.

Đối thủ cạnh tranh

Hiểu rõ đối thủ cạnh tranh là ai, họ đang làm gì và chiến lược của họ như thế nào giúp doanh nghiệp định vị một cách tốt hơn. Khi nhận diện được điểm mạnh và điểm yếu của mình lẫn đối thủ, doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược cạnh tranh hiệu quả. 

Bên cạnh đó, việc theo dõi đối thủ thường xuyên cũng giúp doanh nghiệp nhận diện các cơ hội và thách thức mới trên thị trường, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để luôn duy trì vị thế cạnh tranh.

>> Xem thêm: Mô hình SWOT và cách xác định vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Nhà cung cấp

Lựa chọn nhà cung cấp phù hợp là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp linh hoạt trong sản xuất, quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững. Theo đó, doanh nghiệp cần cẩn trọng đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp uy tín, tin cậy dựa trên nhiều tiêu chí như năng lực tài chính, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm/dịch vụ, giá cả, uy tín thương hiệu, chính sách chăm sóc khách hàng,... 

Kênh phân phối

Đây là bộ phận chịu trách nhiệm đưa sản phẩm từ doanh nghiệp đến tay khách hàng. Việc xây dựng chiến lược phân phối hiệu quả giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng cường sự hiện diện và tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng.

Theo đó, trong môi trường vi mô, doanh nghiệp cần xem xét các yếu tố như đặc điểm sản phẩm, nhu cầu và thói quen mua sắm của khách hàng, khả năng tài chính của doanh nghiệp và mức độ cạnh tranh trên thị trường để lựa chọn kênh phân phối phù hợp.

Nhà đầu tư

Nhà đầu tư là những cá nhân hoặc tổ chức cung cấp vốn cho doanh nghiệp để phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh. Sự hỗ trợ từ nhà đầu tư không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ quý báu. Qua đó, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thực hiện các chiến lược phát triển, đạt được mục tiêu dài hạn. Sự tin tưởng và ủng hộ từ nhà đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tăng cường uy tín và vị thế trên thị trường.

Công chúng

Bên cạnh tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận, các doanh nghiệp cần phải thể hiện trách nhiệm xã hội tại địa phương nơi họ hoạt động. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cộng đồng, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trách nhiệm xã hội không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

môi trường marketing bên ngoài
Môi trường Marketing vi mô gồm các yếu tố mà doanh nghiệp có thể kiểm soát được

Môi trường Marketing vĩ mô

Môi trường kinh tế

Môi trường kinh tế là một trong những đặc trưng nổi bật trong môi trường vĩ mô. Nó bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến sức mua và chi tiêu của người tiêu dùng như tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ đối hoái, tình hình tài chính quốc tế,...

Ví dụ, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên các sản phẩm thiết yếu và có giá trị lâu dài. Ngược lại, trong thời kỳ kinh tế phát triển, họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ cao cấp, giải trí và du lịch. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một minh chứng rõ ràng nhất khi hơn 30% người ít mua hàng và 24% người thực hiện chi tiêu một cách có ý thức hơn.

Môi trường công nghệ

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, ví dụ như Internet, Social Media và các thiết bị di động, đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các chiến lược marketing trong thời kỳ kỹ thuật số. Thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm chất lượng, dịch vụ cá nhân hóa và tăng trải nghiệm tương tác với khách hàng.

Vì vậy, doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động, cải tiến sản phẩm và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.

Theo báo cáo của Statista, phần lớn các đều đồng ý rằng các chuyển đổi công nghệ đã có một số hoặc tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của họ. Cụ thể là mở rộng nguồn doanh thu mới và từ các luồng hiện có, giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm của nhân viên. Một tỷ lệ rất nhỏ báo cáo rằng nó đã có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ.

Môi trường nhân khẩu học

Các đặc điểm về dân số như độ tuổi, giới tính, thu nhập, trình độ học vấn, phân bố địa lý,... có thể ảnh hưởng đến nhu cầu và hành vi mua sắm của khách hàng. Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng các xu hướng nhân khẩu học để phác họa rõ chân dung khách hàng, định vị sản phẩm, phát triển các chiến lược Marketing nhắm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu và tận dụng các cơ hội thị trường mới.

Môi trường Văn hóa - Xã hội

Môi trường văn hóa xã hội đề cập đến sự hình thành và thay đổi của cấu trúc xã hội, phong tục tập quán xã hội, tín ngưỡng và giá trị, quy tắc ứng xử, lối sống, truyền thống văn hóa, quy mô dân số,.... Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nằm trong một môi trường văn hóa xã hội nhất định và các hoạt động Marketing của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và hạn chế bởi môi trường văn hóa xã hội. 

Các doanh nghiệp nên hiểu và phân tích, xây dựng chiến lược và tổ chức các hoạt động Marketing khác nhau theo các môi trường văn hóa khác nhau.

Ví dụ: Nhận thấy ý thức đề cao sức khỏe của người tiêu dùng Ấn Độ, thương hiệu mì ăn liền Maggi của Nestle đã cho ra các biến thể khác nhau như Maggi Atta và Maggi Oats. Nhờ đó, hãng đã nhanh chóng tạo ra được tiếng vang và thành công khi mở rộng thị trường tại đất nước này.

Môi trường Chính trị - Pháp luật

Các quy định, chính sách và luật pháp của nhà nước ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các yếu tố này có thể bao gồm luật về bảo vệ người tiêu dùng, quy định về an toàn sản phẩm, chính sách thuế và các hiệp định thương mại quốc tế. Sự ổn định chính trị và khung pháp lý rõ ràng, minh bạch có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. 

Ngược lại, sự bất ổn chính trị hoặc thay đổi đột ngột trong chính sách pháp luật có thể gây ra rủi ro và khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến chính trị và pháp luật, tuân thủ các quy định hiện hành và xây dựng các chiến lược dự phòng để ứng phó với những thay đổi có thể xảy ra.

môi trường Marketing vĩ mô
Công nghệ thay đổi là yếu tố mà các doanh nghiệp cần chú trọng khi phân tích môi trường Marketing vĩ mô

Cùng với nghiên cứu thị trường, phân tích môi trường Marketing là một trong những bước quan trọng và là chìa khóa để doanh nghiệp hiểu rõ khách hàng của mình. Qua đó, doanh nghiệp có thể tạo ra các chiến lược và hướng đi đúng đắn, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu. Đồng thời, tiếp cận và tạo dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.

Chương trình đào tạo

CMO - GIÁM ĐỐC MARKETING
CMO - Chief Marketing Officer

Khóa học CMO là chương trình đào tạo Giám Đốc Marketing chuyên nghiệp tại PACE
giúp bạn xây dựng và triển khai chiến lược Marketing tổng thể đa kênh trong bối cảnh Marketing 5.0 & AI.

Định nghĩa lại "chân dung" của Giám đốc Marketing trong kỷ nguyên số.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 371